Hotline: 0978752493

(TBKTSG) – Nhiều nông dân nuôi tôm ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre hiện nay đã ứng dụng công nghệ nuôi tôm tự động. Nhờ công nghệ này, người nuôi vừa khỏe vừa lời gấp hai ba lần so với nuôi thủ công.

Nhiều hộ dân ở Thạnh Phú ứng dụng công nghệ nuôi tôm tự động. Ảnh: Lư Thế Nhã

Đột phá nghề nuôi

Trên cánh đồng nuôi tôm công nghiệp ở ấp An Bình, xã An Thạnh, ông Phan Văn Hưởng, một nông dân nuôi tôm, cho biết ở đây gần như gia đình nào có nuôi tôm đều sắm máy tự động cho tôm ăn. Trước đây khi nuôi tôm thủ công, thức ăn rải xuống ao, tôm ăn không hết, không lấy lên được. Lượng thức ăn dư thừa này gây ô nhiễm nước, con tôm dễ bị dịch bệnh. Nay có máy hẹn giờ cho tôm ăn, thức ăn được tính toán vừa đủ, tôm khỏe, lớn nhanh. Mặt khác, một người nuôi có thể trông coi từ 3-4 ao tôm thay vì nuôi thủ công thì mỗi người chỉ trông coi được một ao.

Gia đình ông Đào Văn Giác cùng ở ấp An Bình thiết kế và đầu tư đầy đủ cho “ao tôm thông minh”, gồm máy cho tôm ăn, bộ hẹn giờ quạt tạo oxy, bộ hẹn giờ xi-phông đáy ao (loại bỏ chất thải, làm sạch môi trường ao nuôi)… Với công nghệ này, ông nói, mật độ thả nuôi có thể đến 300 con/mét vuông, trong khi nếu nuôi thủ công thì thường chỉ được 60-100 con/mét vuông. Nuôi thủ công, thời gian nuôi dài hơn, ba tháng mới đạt 100 con/ki lô gam, trong khi nuôi tôm bằng máy thì chỉ cần 60 ngày là đạt mức này. Tôm khỏe, lớn nhanh, đến 80 ngày là được đạt 40 con trên một ki lô gam.

Có máy cho tôm ăn, người nuôi khi có việc đi xa cả ngày, chỉ cần đổ thức ăn đầy vào phễu chứa thức ăn của máy, cài đặt giờ cho ăn, cài đặt giờ chạy quạt tạo oxy, cài đặt xi-phông đáy ao sẽ an tâm, con tôm được chăm sóc chu đáo. Theo ông Giác, máy cho tôm ăn có ba cái lợi: tiết kiệm điện, thức ăn và nhân công. Sản lượng thu hoạch nhiều hơn nuôi thủ công.

Ở địa phương này, nhiều người đã tìm đến tham khảo mô hình “nuôi tôm thông minh” của ông Đỗ Văn Bé. Với ao tôm có diện tích 1.700 mét vuông, ông Bé lắp máy cho tôm ăn, máy chạy quạt, máy xi-phông, đèn chiếu sáng, tất cả thiết bị này đều mở tắt tự động. Giáp ranh ao tôm là ao nuôi cá rô phi có đường ống thông nhau. Khi bơm nước từ ao lắng nuôi cá rô phi sang ao tôm, nước trong ao tôm đảo chiều sang ao cá, cuốn theo cặn bã, xác tôm lột làm mồi cho cá ăn. Cá mau lớn, mập mà không phải hao tốn thức ăn.

Với hệ thống ao tôm thông minh, ông Bé thả nuôi với mật độ 300 con/mét vuông. Thời gian nuôi 60 ngày, đạt 60 con/ki lô gam; nuôi 90 ngày, đạt 24 con/ki lô gam. Con tôm ít bị bệnh nên không cần sử dụng đến thuốc kháng sinh, được thương lái công nhận là tôm sạch. Ông Bé kể thêm, ông đã “trúng” liên tục 13 vụ nuôi, lãi gần 5 tỉ đồng.

Thầy giáo tin học thiết kế ao tôm

Người thiết kế “hệ thống ao tôm thông minh” và chế tạo máy tự động nuôi tôm là anh Đào Phước Xoàn, giáo viên tin học trường tiểu học An Thạnh (xã An Thạnh). Thấy việc nuôi tôm thủ công của gia đình quá vất vả, anh đã suy nghĩ nhiều về những phương pháp nuôi sao cho người nuôi được nhẹ nhàng hơn. Từ kiến thức tin học ở những năm theo học ở trường Cao đẳng Bến Tre, chàng trai 30 tuổi này bắt tay vào việc thiết kế công nghệ tự động hóa nuôi tôm.

Chiếc máy cho tôm ăn ban đầu rất thô và nặng do anh làm phễu chứa thức ăn bằng sắt. Anh cải tiến, sử dụng vật liệu làm phễu bằng nhôm, có bốn chân bằng i-nox. Máy được kết nối bộ hẹn giờ cho tôm ăn, có thể điều chỉnh và kiểm soát được lượng thức ăn vừa đủ cũng như định mức thời gian cần thiết. Máy cho tôm ăn với thức ăn lớn thì phun gần, thức ăn nhỏ thì phun xa, tùy chỉnh. Đến nay, máy cho tôm ăn do anh Xoàn chế tạo đã khá hoàn chỉnh. Máy chạy êm, phun thức ăn đều hơn trước.

Sau việc chế tạo máy cho tôm ăn, anh thiết kế thêm bộ cài hẹn giờ cho máy quạt tạo oxy và bộ hẹn giờ cho bộ xi-phông hút chất thải dưới đáy ao. Máy xi-phông trên thị trường có bán nhưng anh tự chế tạo và thiết kế ống hút có đường kính 60 cen ti mét, có thể hút mạnh cặn bã ở đáy ao và đưa ra bãi thải cách xa ao tôm.

Với “hệ thống ao tôm thông minh” và có lắp camera, người nuôi đang ở xa vẫn có thể kiểm tra các máy tự động vận hành thông qua điện thoại thông minh của mình.

Lúc đầu, nông dân ở An Thạnh không tin anh làm được cho đến khi tận mắt nhìn thấy ao tôm gia đình anh không cần người trông coi, tất cả quy trình nuôi đều tự động, từ việc cho tôm ăn, tạo oxy, đến việc làm sạch môi trường ao nuôi… Ở ao nuôi “trình diễn” rộng 440 mét vuông này anh thả nuôi với mật độ 300 con/mét vuông, thời gian nuôi 50 ngày cho tôm loại 1, đạt sản lượng 1,7 tấn tôm. Trước đây, ở ao tôm này gia đình anh nuôi thủ công với mật độ 100 con/mét vuông, thời gian nuôi phải từ 60-70 ngày và chỉ đạt 0,5 tấn tôm. Từ những kết quả thuyết phục như vậy, nhiều người tin tưởng và bắt đầu đặt mua máy. Ngoài các hộ nuôi tôm ở ngay trong tỉnh Bến Tre, hiện nay anh Xoàn đã cung cấp được máy cùng bộ hẹn giờ phục vụ nuôi tôm cho người nuôi và đại lý ở các tỉnh Khánh Hòa, Long An, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu…

Đề án khởi nghiệp “Phát triển hệ thống nuôi tôm thông minh” của anh Xoàn đã đạt giải nhất tại hội thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp lần II tỉnh Bến Tre năm 2018, và là một trong ba dự án khởi nghiệp của tỉnh Bến Tre được chọn tham gia Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo 4.0 kết nối toàn cầu năm 2018 tại Đà Nẵng, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Công nghệ nuôi tôm tự động của anh được đánh giá là đã góp phần phát triển kinh tế nuôi tôm bền vững cho nông dân. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *