Hotline: 0978752493

Máy cho ăn tự động là máy cho tôm ăn theo giờ hẹn sẵn và được dùng phổ biến ở những vùng nuôi tôm thâm canh. Bài viết cung cấp những thông tin về máy cho ăn tự động và kinh nghiệm sử dụng để mang lại hiệu quả cao trong nuôi tôm công nghiệp.

Trong các trang trại nuôi tôm sú hoặc nuôi tôm thẻ chân trắng, chi phí thức ăn chiếm khoảng 50% tổng chi phí vụ nuôi, hoặc cao hơn ở những trại nuôi quản lý thức ăn không tốt. Việc sử dụng máy cho ăn tự động sẽ giúp tiết kiệm lượng thức ăn sẽ làm giảm chi phí so với việc cho ăn thủ công.

Máy cho ăn đã được ứng dụng từ lâu trong một vài lĩnh vực nuôi thuỷ sản, chẳng hạn như nuôi cá. Đối với ngành nuôi tôm, máy cho ăn chỉ mới được phát triển và kiểm chứng trong vài năm gần đây. Hiện trên địa bàn tỉnh có vài trang trại lớn và trung bình đã sử dụng máy cho ăn để giảm nhân công. Qua kiểm chứng, tôm có tốc độ tăng trưởng tốt hơn và hệ số thức ăn thấp hơn trước nhiều.

Khi sử dụng loại máy này, người nuôi tôm có thể dễ dàng điều chỉnh lượng thức ăn và khoảng cách giữa các lần cho ăn, rải thức ăn đạt được hiệu quả cao nhất – tôm được ăn đủ, không có thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao. Tôm phát triển đồng đều nên giảm độ chênh lệch kích cỡ tôm khi thu hoạch.

Lựa chọn máy cho tôm ăn

Máy cho tôm ăn tự động chỉ thích hợp với những ao nuôi có kích thước lớn, vì chúng được thiết kế để phân phối thức ăn trong bán kính ít nhất 10 m. Nếu máy cho ăn được lắp đặt ở những ao nuôi quá nhỏ, thức ăn sẽ bị rơi ra bên ngoài ao nuôi hoặc trên bờ ao. Ngoài ra, thức ăn cũng có thể rơi vào vùng trung tâm ao nuôi, nơi gom tụ chất bẩn và tôm không thể bắt thức ăn ở những khu vực này.

Thông thường một máy cho ăn có thể đáp ứng khoảng 100.000-120.000 con tôm, tuỳ theo loại máy. Nếu mật độ thả nuôi khoảng 200.000 con thì cần phải có 2 máy.

Lắp đặt máy cho ăn

Máy cho ăn nên được lắp đặt trên một cầu nhỏ, cách bờ và trung tâm ao khoảng 12 m và tại nơi sâu nhất của ao, như vậy thức ăn sẽ không rơi xuống khu vực quá gần bờ hoặc khu vực gom tụ chất bẩn. Máy cho ăn cũng không nên lắp đặt quá gần với quạt nước, vì dòng chảy của nước sẽ cuốn trôi thức ăn và tôm sẽ không ăn được.

Vòi phun thức ăn phải cách mặt nước khoảng 60-80 cm. Nếu một ao nuôi cần có 2 máy cho ăn thì nên lắp đặt song song nhau và cách nhau 25-30 m. Máy cho ăn nên hoạt động cùng lúc, vì như thế thức ăn sẽ được phân bố đều và đủ trong cùng thời điểm.

Cài đặt chế độ tự động điều khiển máy cho ăn

Máy cho ăn chỉ nên được sử dụng khi tôm được 15-25 ngày tuổi hoặc khi người nuôi bắt đầu cho ăn thức ăn số 3. Một số người nuôi bắt đầu sử dụng máy cho ăn khi họ tiến hành đánh giá sức khoẻ và kích cỡ tôm nuôi thông qua vó. Vì như thế  họ có thể ước lượng chính xác lượng tôm có trong ao và thông qua đó có thể tính toán chính xác được lượng thức ăn trong ngày nhằm tránh dư thừa thức ăn trong ao.

Kích cỡ viên thức ăn càng lớn thì nó sẽ càng được phun ra xa hơn viên thức ăn có kích cỡ nhỏ. Máy cho ăn có thể được điều chỉnh trên bảng điện. Một nút trên bảng điện có thể cài đặt thời gian phun thức ăn khoảng từ 0,2-1,2 giây hoặc từ 1 giây cho đến vài giây tuỳ theo loại máy. Một nút khác dùng để cài đặt thời gian ngưng giữa hai lần phun thức ăn từ 0,5 phút đến 03 phút.

Thông thường cài đặt máy cho ăn phun thức ăn trong 1 giây, ngừng 1 phút và hoạt động liên tục trong 24 giờ, sau đó người nuôi tiến hành kiểm tra vó gần đó mà không cần chờ cho máy ngưng hoạt động hoặc tôm ngừng ăn. Ngoài ra, người nuôi có thể điều chỉnh cài đặt thời gian trong một lần cho ăn là 10 giây, ngừng 2 phút và cho ăn từ 6h-20h hoặc 07h-19h kể từ khi có ánh sáng mặt trời đầy đủ và hàm lượng oxy cao trong môi trường nước. Tôm nuôi ăn nhiều vào ban ngày khi nhiệt độ cao nhưng phải ở trong khoảng tối ưu từ 28-30oC.

Dưới đây chúng tôi chỉ nêu 2 cách cho ăn phổ biến, còn tùy vào mỗi hộ nuôi mà có cách sử dụng khác

1. Thời gian cho ăn 1 giây, thời gian chờ 1 phút và hoạt động trong suốt 24h sau đó kiểm tra vó mà không cần chờ tôm ngưng ăn.

2. Thời gian cho ăn 5 giây/1 lần, ngưng 10 phút và cho ăn từ 6h-20h hoặc từ 7h-19h.

3. Theo cách tính thức ăn và cách cài đặt máy sau:

Ví dụ: Lượng thức ăn là 300 kg/ngày, cho ăn liên tục 13 giờ/ngày. Cách tính như sau:

– Lượng thức ăn mỗi giờ sẽ là: 300 kg/13 giờ = 23 kg/giờ. Thời gian nghỉ của máy là 10 phút, có nghĩa là 1 giờ máy khởi động 6 lần. Vậy lượng thức ăn 1 lần là: 23 kg/6 lần = 3,8 kg/lần.

Công suất của máy là 120g/giây (tùy máy) nên số thời gian của 1 lần cho ăn là: 3,8 kg/120g = 31 giây (một lần cho ăn mất 31 giây).

Vì vậy sẽ cài đặt máy là: Thời gian chờ: 10 phút khởi động máy 1 lần.Thời gian cho ăn: 31 giây/1 lần khởi động máy.

Kiểm tra sàng ăn

Tuy máy được thiết kế để tự động vận hành nhưng người nuôi cũng cần theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn cho hiệu quả. Cụ thể, cần đặt 2 sàng ăn tại mỗi máy cho ăn tự động (đặt ở phía trước và phía sau cách 15cm so với máy cho ăn). Đối với khu vực rãi thức ăn, nên đặt một vó gần và một vó cách 6-8m so với máy. Khẩu phần, thời gian và tần suất cho ăn nên được hiệu chỉnh dựa vào sự quan sát thức ăn còn lại trong các sàng kiểm tra. Lượng thức ăn có thể tăng hoặc giảm 2-3% dựa theo nhu cầu ăn của tôm. Có thể định kỳ cân tôm và ước đoán tỷ lệ sống để có thêm thông tin điều chỉnh lượng ăn phù hợp nhất./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *